Du lịch Bắc Ninh 1 ngày, những địa điểm phải đến và những món ăn phải thử

Đánh giá

Bắc Ninh là tỉnh có những thế mạnh về du lịch tâm linh, làng nghề, lễ hội. Tuy có những tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay du lịch Bắc Ninh chưa đáp ứng được những kỳ vọng. Không có quá nhiều công ty du lịch Bắc Ninh được thành lập, nhận thấy tiềm năng và muốn phát triển du lịch tỉnh nhà, Vietsky tạo ra sản phẩm du lịch Bắc Ninh 1 ngày để phục vụ du khách.

Ngoài các sản phẩm về tour du lịch phòng vé máy bay Bắc Ninh Vietsky được thành lập từ đầu những năm 2014, cũng đã tạo dựng được uy tín đối với khách hàng.

Tổng quan về tỉnh Bắc Ninh

Năm 1963, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được sáp nhập với nhau thành tỉnh Hà Bắc, đến năm 1997 tái lập tỉnh Bắc Ninh. Giữ vai trò là một trung tâm kinh tế – xã hội quan trọng trong mối quan hệ giao lưu với thủ đô Hà Nội

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, có diện tích nhỏ nhất cả nước. Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, trong vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên và phía Tây giáp thủ đô Hà Nội.

Bắc Ninh có các trục đường giao thông lớn quan trọng cả trên bộ và thủy chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía Bắc. Vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đồng bằng chiếm gần hết diện tích tự nhiên toàn tỉnh và hệ thống giao thông thuận tiện mà Bắc Ninh có tiềm năng phát triển kinh tế cực lớn.

Tổng quan về Bắc Ninh

Tổng quan về Bắc Ninh.

Miền đất Kinh Bắc xưa là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, nơi sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài và cũng là điạ phương có nhiều công trình văn hoá, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống. Bắc Ninh còn được biết đến là quê hương của những lễ hội. Nơi đây, mỗi năm có khoảng 500 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào tất cả các mùa trong năm…

Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong tốp đầu cả nước.

Lịch trình du lịch Bắc Ninh 1 ngày, những điểm nhất định phải đến

Chùa Phật Tích ngôi chùa ngàn năm tuổi

Chùa Phật Tích nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng vào năm 1057 dưới triều đại nhà Lý và đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng qua các triều đại khác nhau. Ngôi chùa gắn liền với vườn sự tích hoa mẫu đơn khoe sắc lưu truyền trong truyền kỳ nổi tiếng “Từ Thức gặp tiên”. Chùa có cấu trúc với các phần chính gồm: chùa chính, hành lang và các công trình phụ trợ.

Sự bền vững và vẻ đẹp của chùa qua bao thế kỷ đã làm cho nó trở thành một biểu tượng quan trọng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Với tuổi đời lên đến hơn một ngàn năm, chùa Phật Tích không chỉ nổi bật về mặt lịch sử mà còn về giá trị văn hóa và kiến trúc, thu hút đông đảo du khách và tín đồ Phật giáo từ khắp nơi.

Chùa Phật Tích hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A Di Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.

  • Tượng Phật A Di Đà được thờ tại gian chính điện có niên đại thời Lý (thế kỷ XI). Tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối có kích thước: cao 185 cm, rộng vai 87cm, rộng ngang đùi 133cm và chia thành hai phần rõ rệt: phần tượng và bệ tượng. Đây là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Ngày 01 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích là bảo vật quốc gia.
Tượng phật đá xanh.

Pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay.

  • Một bảo vật quốc gia độc bản khác tại chùa Phật Tích là bộ tượng 10 linh thú đá đặt tại bậc thềm thứ hai gồm: sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa. Mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn, có niên đại nghìn năm. 10 linh thú đá được chia làm 2 hàng, đặt đối xứng phía trước Tam Bảo. Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì các bức tượng này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa.

Ngoài ra trên đỉnh núi Phật Tích có 2 công trình đồ sộ mới được xây dựng trong thời gian gần đây là pho đại Phật tượng A Di Đà cao trên 27 m nặng 3.000 tấn, có độ cao 108 m và tòa bảo tháp chùa Phật Tích.

Tượng phật A Di Đà trên đỉnh núi Phật Tích.

Tượng phật A Di Đà trên đỉnh núi Phật Tích.

Chùa Phật Tích không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là trung tâm tôn giáo quan trọng. Ngôi chùa thường xuyên tổ chức các buổi lễ Phật giáo, lễ hội và các hoạt động tôn thờ truyền thống, thu hút đông đảo tín đồ và khách tham quan. Lễ hội chùa Phật Tích thường diễn ra vào các dịp lễ lớn trong năm như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán và ngày vía Phật, với các nghi lễ trang nghiêm và hoạt động văn hóa phong phú.

Đền Đô ngôi đền của các bậc Đế Vương

Đền Đô hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện nằm ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến nay, Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn tức (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.

Đền Đô được xây dựng vào năm 1030, chỉ sau một năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (nay là Hà Nội). Theo truyền thuyết, khi vua Lý Thái Tổ về thăm quê hương, người dân đã dựng một ngôi nhà lớn để nghênh tiếp. Sau khi vua băng hà, vua Lý Thái Tông đã cho sửa lại ngôi nhà này thành nơi thờ tự vua cha.

Đền Đô

Đền Đô ngôi đền của các bậc đế vương.

Trải qua thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, Đền Đô đã được tu sửa và mở rộng nhưng vẫn theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu nằm trong khuôn viên rộng hơn 31.000 m2. Cổng vào nội thành đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình 5 ông rồng. Mỗi khi cánh cổng này mở ra, sẽ như hình dáng rồng bay lên cao vút. Hai bên cổng chính nội thành Đền Đô, phía bên trái ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ hào hùng nổi tiếng – như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt.

Đền Đô được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với các khu lăng mộ của các vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đây là địa điểm chắc chắn phải ghé trong chuyến du lịch Bắc Ninh 1 ngày 

Chùa Bút Tháp nơi lưu trữ tượng Phật nghìn mắt linh thiêng

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp nơi lưu trữ tượng phật nghìn mắt linh thiêng.

Chùa Bút Tháp được xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2, ngày nay tọa lạc tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Hiện trong chùa đang còn lưu giữ bốn Bảo vật Quốc gia được bảo tồn được tương đối nguyên vẹn: kiệt tác Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2012 và 3 Bảo vật được công nhận tháng 1-2021 là: Tượng Tam thế, Tòa Cửu phẩm Liên Hoa và Hương án. Tất cả các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.

Tiêu biểu nhất là tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, pho tượng do nhà điêu khắc tài hoa Trương Thọ Nam hoàn thành vào ngày tốt mùa Thu năm Bính Thân (1656) thời Lê Trung Hưng. Sản phẩm có thể được coi là kiệt tác về tượng Phật bởi những nét chạm trổ tinh xảo và vô cùng tỉ mỉ. Tượng được làm bằng chất liệu gỗ, phủ sơn, chiều cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau.

Tượng phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay

Tượng phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.

Chùa Dâu ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Du lịch Bắc Ninh 1 ngày đưa bạn đến khám phá chùa Dâu. Theo sử sách và bia đá, chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226. Chùa được coi là nơi khởi nguồn của đạo Phật, tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.

Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh,văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương.

Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa Dâu đã trải qua nhiều lần đại tu tôn tạo, giải phóng mặt bằng phía trước chùa để kè hồ, xây dựng tường bao bảo vệ di tích. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Chùa Dâu thời xưa Chùa Dâu thời nay

Đền bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính khoảng 1000 năm lịch sử của vùng đất Kinh Bắc, tọa lạc trên núi Kho thuộc khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Hàng năm, lễ hội đền Bà Chúa Kho thường được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch và có thể nói hiếm có ngôi đền nhỏ nào thu hút giới kinh doanh, buôn bán nhiều như đền Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho được xây dựng để tưởng nhớ và thờ phụng Bà Chúa Kho, một người phụ nữ vô cùng xuất sắc trong thời nhà Lý. Ngôi đền được dựng lên với sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống. Thời đó, nơi đây được chính là địa điểm đặt kho lương thực của quân ta. Bên cạnh vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, bà còn có khả năng sắp xếp công việc sản xuất và tích trữ lương thực, thực phẩm, giúp dân chống đói và quân đội chống giặc.

Đền bà chúa Kho

Đền bà chúa Kho.

Làng tranh Đông Hồ địa điểm phải đến trong chuyến du lịch Bắc Ninh 1 ngày

Cách Hà Nội chừng 33km về hướng Đông, nằm sát bờ Nam đê sông Đuống, làng Hồ là một làng nghề cổ truyền sinh sống bằng nghề làm tranh khắc gỗ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc nơi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc.

Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh.

Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh.

Tranh Đông Hồ xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI được hình thành bằng phương pháp thủ công, in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó. Chủ đề chính xuất hiện trên các bức tranh thường gắn liền với làng quê thôn xóm, đời sống sinh hoạt đời thương của người dân nông thôn, gần gũi với cộng đồng người Việt

Làng tranh Đông Hồ đã trải qua hơn 400 năm lịch sử, với hơn 17 dòng họ theo nghề khắc tranh gỗ truyền thống. Ngày nay, mặc dù làng Đông Hồ đã thu hẹp về quy mô và số lượng nhưng nơi đây vẫn là một địa điểm lưu giữ bản sắc làm tranh Đông Hồ cổ truyền độc đáo nhất.

Làng gốm Phù Lãng

Du lịch Bắc Ninh 1 ngày đưa bạn đến làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm tuổi được hình thành từ khoảng thời nhà Trần đầu thế kỷ XIV, nằm cạnh dòng sông Cầu thơ mộng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nghề làm gốm được xem là hoạt động kinh tế chính của người dân nơi đây. Khi đến với Phù Lãng bạn sẽ bắt gặp rất nhiều sản phẩm gốm và củi khô được phơi dọc theo hai bên đường.

Làng gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại sản phẩm chính: gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh…); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu…); gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi…). Năm 2016, làng nghề gốm Phù Lãng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái

Làng nghề đúc đồng Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nằm trên dải đất cao bên bờ sông Bái Giang. Theo tài liệu thư tịch cổ, nghề gò, giát đồng ở Đại Bái có từ đầu thế kỷ 11, ông tổ nghề là Nguyễn Công Truyền (989 – 1069). Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm, ngày nay làng nghề đúc đồng Đại Bái đã trở nên vô cùng nổi tiếng và được nhiều người biết đến.

Nếu trước kia làng Đại Bái chỉ sản xuất đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đồ thờ, tranh chạm khảm, hoành phi, câu đối… đòi hỏi kỹ thuật cao, xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Á, Đông Nam Á.

Thành cổ Luy Lâu huyền thoại ngàn năm giữa lòng Kinh Bắc

Thành cổ Luy Lâu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, gắn liền với giai đoạn dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc do vua An Dương Vương xây dựng sau khi dời đô từ Cổ Loa. Tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, thành cổ Luy Lâu mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa vô giá.

Từng là ngôi thành cổ nổi tiếng phồn hoa, đô hội của xứ Giao Chỉ xưa. Trải qua năm tháng, địa điểm này không còn lưu giữ được nhiều hiện trạng ban đầu. Hiện tại, thành cổ Luy Lâu còn lại rất ít di tích.

Thành cổ Luy Lâu

Thành cổ Luy Lâu.

Nhà thờ chánh tòa Bắc Ninh

Nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh nằm ngay giữa trung tâm thành phố, được xây dựng theo phong cách Baroque với hai ngọn tháp cao 22m ở hai bên mặt tiền, chiều dài 45m, chiều ngang 12m. Năm 1889, Đức cha Antonio Lễ – Giám mục tiên khởi đã chọn mua mảnh đất tại đây và bắt đầu cho xây dựng nhà thờ cùng với Tòa Giám Mục. Sau 3 năm xây dựng, đến năm 1892 Nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh chính thức được khánh thành. Từ đó đến nay, đây là nơi tập trung sinh hoạt thường xuyên tín ngưỡng tôn giáo của giáo dân Bắc Ninh và các khu vực xung quanh.

Nhà thờ Bắc Ninh

Nhà thờ Bắc Ninh.

Đền cùng giếng Ngọc

Giếng Ngọc nằm trong khuôn viên của đền Cùng, có địa chỉ tại thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, Bắc Ninh được cho là một vật báu trời ban dành riêng cho người dân làng Diềm. Giếng Ngọc có hình bán nguyệt rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Chẳng ai biết Giếng Ngọc đã có từ bao giờ, nước trong giếng có màu xanh ngọc bích vô cùng đẹp mắt, có thể múc uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi.

Ngày nay nơi đây là địa điểm thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan, cầu tình duyên, công danh sự nghiệp, gia đạo tốt lành. Du khách đến tham quan Đền Cùng cũng không quên ghé xuống các bậc thang ở Giếng Ngọc lấy ít nước về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Giếng Ngọc.

Giếng Ngọc.

Du lịch Bắc Ninh 1 ngày những đặc sản ẩm thực nhất định phải thử

Bánh phu thê Đình Bảng: Nguyên liệu làm bánh phu thê gồm bột nếp, đỗ xanh, đu đủ xanh… Bánh sau khi gói bằng lá dong xong được hấp cách thủy từ 40 đến 60 phút, sau đó lấy ra để nguội rồi mới gói lần hai thành từng cặp bằng 1 chiếc lạt hồng. Có nhiều truyền thuyết kể về bánh phu thê, nhưng dù ở câu chuyện nào bánh phu thê cũng tượng trưng cho sự thủy chung. Người dân thường làm bánh vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô để tế lễ, làm quà biếu.

Bánh phu thê

Bánh phu thê.

Nem làng Bùi: có xuất xứ ở Làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện ngót nghét trăm năm nay. Đây là món đặc sản Bắc Ninh nổi tiếng mà bạn nhất định phải thử khi ghé vùng quê quan họ. Nem có phần thính làm từ gạo rang xay nhuyễn, nhân thịt heo thơm ngon kích thích vị giác, được ăn kèm với lá sung, chấm cùng tương ớt, rất phù hợp cho các dân nhậu nhâm nhi thêm cốc bia mát lạnh.

Nem làng Bùi Bắc Ninh

Nem làng Bùi Bắc Ninh.

Phở gan cháy Đáp Cầu: đây là món ăn mà du khách chắc chắn nên thử khi đi du lịch Bắc Ninh 1 ngày. Phở gan cháy Đáp Cầu là món ăn sáng quen thuộc đối với nhiều thế hệ ở vùng quê Kinh Bắc. Một tô phở đầy đủ ngoài bánh phở còn có thịt thăn, tim, cật và miếng gan cháy to bằng cả bàn tay ăn kèm rau sống, giá. Phở gan cháy có mùi vị và hương thơm khác hẳn so với phở Hà Nội. Nước dùng của phở gan cháy có màu sẫm, đặc sánh hơn, phía trên mặt nổi một lớp váng mỡ béo ngậy, đậm đà.

Phở gan cháy Đáp Cầu

Phở gan cháy Đáp Cầu.

Bánh tẻ làng Chờ: là đặc sản nổi tiếng của làng Chờ, huyện Yên Phong. Không như bánh tẻ thông thường, bánh tẻ làng Chờ có hương vị không thể lẫn với bất cứ loại bánh tẻ nào khác. Bánh được gói trong lá dong nhỏ, chỉ to chừng 2 ngón tay. Nét đặc trưng của bánh tẻ làng Chờ là dẻo chứ không nhão, nát như bánh giò, bánh ăn có độ giòn của mộc nhĩ, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá. Khi ăn, tất cả cùng hòa quyện với nhau tạo nên

Bánh tẻ làng Chờ

Bánh tẻ làng Chờ.

Thịt chuột Đình Bảng: Thịt chuột là món ăn đặc sản độc đáo với người Đình Bảng, có khi được bày trên cả mâm cỗ trong ngày cưới. Thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều như: thịt luộc ép lá chanh, thịt chuột nướng, chuột đồng nấu đậu, chuột xào sả ớt, chuột giả cầy, chuột rán, chuột chua ngọt…

Thịt chuột Đình Bảng

Thịt chuột Đình Bảng.

Cháo cá Tích Nghi: Người đầu tiên bán món cháo này là gia đình bà Tích Nghi ở phường Vệ An, Bắc Ninh vào những năm 70. Cũng từ đây cái tên cháo cá Tích Nghi cũng từ đó mà ra đời nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Món cháo này được nấu từ cá chép hoặc cá trắm. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, nhừ của gạo ninh kết hợp với vị tươi ngon của cá và mùi thơm hòa quyện của các loại rau, tạo nên bát cháo cá hoàn hảo về hương vị. Thực khách thưởng thức cháo cá có thể rắc thêm ít tiêu, giấm tỏi, ớt khô và thêm chén nước mắm ớt để tăng vị cay nồng, hấp dẫn. Nằm ở trung tâm thành phố Bắc Ninh đây cũng là món ăn mà mọi người nên thử trong chuyến tham quan du lịch Bắc Ninh 1 ngày.

Cháo cá Tích Nghi

Cháo cá Tích Nghi.

Tương ĐÌnh Tổ: được lấy tên từ ngôi làng Đình Tổ, nay là xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vang danh gần xa với nước chấm đặc sản. Tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm, vị ngọt bùi, béo ngậy của gạo nếp, ngô. Tương Đình Tổ có độ ngọt tự nhiên do quá trình lên men của ngô và độ mặn vừa đủ, giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chấm các món ăn như: rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc,… hoặc dùng làm gia vị cho các món kho.

Tương Đình Tổ

Tương Đình Tổ.

Bánh khúc làng Diềm: là một đặc sản nổi tiếng không thể bỏ qua, khác lạ với bánh khúc nơi khác là có hình bán nguyệt, trông như chiếc bánh gối và không có lớp xôi nếp bọc ngoài. Món bánh này được làm từ những nguyên liệu, với phần vỏ chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng, lá khúc và phần nhân là đậu xanh, thịt mỡ, tạo nên hương vị dẻo thơm và béo bùi. Với món đặc sản làng Diềm này, người dân địa phương sẽ dùng để thết đãi khách quý, hoặc cùng gia đình quây quần thưởng thức vào những dịp lễ tết hoặc ngày rằm, hội hè.

Bánh khúc làng Diềm

Bánh khúc làng Diềm.

Như vậy Vietsky đã giới thiệu đến du khách những địa điểm phải đến và các món ăn phải thử khi tới Bắc Ninh. Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất cả nước, thời gian di chuyển không lâu, chủ yếu là du lịch tâm linh và làng nghề nên sẽ phù hợp du lịch Bắc Ninh 1 ngày.

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
LIÊN HỆ VỚI VIETSKY
LIÊN HỆ VỚI VIETSKY