Những Món Ăn Ngon Cần Thử Khi Đi Du Lịch Bắc Giang

Đánh giá

Bánh Đa Thổ Hà Giòn Thơm

Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những làng quê còn giữ được nét đẹp dân giã vốn có của làng quê Việt. Hình ảnh cây đa, bến nước mái đình vẫn hiện hữu dù cuộc sống tấp nập, hiện đại ngoài kia có bao đổi thay. Nằm bên dòng sông Cầu, làng Thổ Hà – ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa vẫn còn tin đậm trong từng con ngõ nhỏ, trên từng bức tường xây bằng tiểu sành, những mái ngói nhuốm màu thời gian…Đây là điểm đến hấp dẫn của du lịch Bắc Giang mà bất cứ ai đến đầu trầm trồ ngưỡng mộ.

Làng Thổ trước đây vốn nổi tiếng một thời với nghề gốm. Nhưng thời gian mai một do sự phát triển của các đồ gia dụng khác thay thế, làng gốm ấy nay đã chuyển sang làm bánh đa. Mươi, mười lăm năm nay, khách không chỉ tìm đến Thổ Hà để chiêm ngưỡng ngôi làng nổi tiếng với những con ngõ nhỏ tuyệt đẹp với những bức tường độc đáo xây bằng tiểu sành mà còn để săn ảnh người dân làm bánh đa, thưởng thức món đặc sản riêng có của vùng đất này…Bánh đa ở đây nổi danh bởi thơm ngon, giòn giòn và thêm thắt nhiều nguyên liệu hấp dẫn. Bao người con xa quê đều lưu luyến nhớ thương món bánh đa quê nhà. Bánh đa Thổ Hà có hai loại: bánh đa dừa và bánh đa nem. Bánh đa Thổ Hà khác bánh đa nơi khác ở chỗ nguyên liệu làm bánh đa được lựa chọn rất kỹ càng. Gạo tẻ phải loại ngon, vừng trắng đãi kỹ, không sạn, lạc loại già, mẩy, dừa già, cùi dày và đường kính. Tưởng chừng không cầu kỳ phức tạp, nhưng để làm được những mẻ bánh ngon lại phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm ngâm gạo và kỹ thuật tráng bánh. Hiện nay, người dân làng Thổ Hà đã tráng bánh đa nem bằng máy thay vì hì hục tráng bằng tay như trước kia nên cho năng suất cao và chất lượng đồng đều hơn. Quá trình phơi cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp mưa thì bánh sẽ mốc, nếu nắng to sẽ giòn, nứt vỡ. Bánh đa nem làng Thổ Hà nổi tiếng trong và ngoài nước Công đoạn phơi nắng có lẽ là hình ảnh gây ấn tượng nhiều nhất với bất kỳ ai từng một lần đến Thổ Hà. Mặt trời hửng nắng, khắp các đường đi, ngõ nhỏ, mái hiên… lại phủ đầy những phên bánh. Những phên bánh gác lên giữa hai mái nhà, che mát cho từng con ngõ, làm thành bức tranh làng cổ tuyệt đẹp… Những ngày nắng đẹp, đi khắp đường làng, ngõ xóm, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những phên bánh sắp thành hàng dài hai bên tường nhà, bờ rào…

Phên bánh “treo” đầy sân, gác ngang mái những ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ… làm thành những mái che tuyệt đẹp dưới ánh nắng mặt trời. Những giàn treo tạo nên những bức ảnh nghệ thuật khó tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu. Những ngày nắng tốt, bánh chỉ phơi một nắng đã khô, đem vào cắt là cho ra bánh đa nem thành phẩm. Bánh đa nem làng Thổ Hà có màu trăng ngần, mùi thơm nhẹ, dẻo dai ngon miệng vô cùng. Chính điều đó nên sản phẩm truyền thống này rất được lòng khách hàng trên thị trường, không chỉ ở trong nước mà còn ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mùa làm bánh bận rộn nhất ở đây kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau. Ở làng nghề, những mẩu bánh thừa trong quá trình cắt được tận dụng làm thành món đầu nem xào thơm ngon với bí quyết riêng của từng nhà với các nguyên liệu đơn giản như sa tế, tỏi, ớt… trở thành món ngon cho trẻ con và các bạn trẻ.

Cũng qua nhiều công đoạn công phu, nhưng món bánh đa dừa độc đáo làng Thổ Hà cách làm phức tạp hơn nhiều. Cũng làm từ bột gạo tẻ, nhưng phải qua hai lượt tráng, một lượt tráng bánh không, một lượt tráng chung các nguyên liệu vừng, lạc, dừa đã qua sơ chế và thường nướng chín rồi mới đem bán. Đến đây, hết dạo quanh làng thăm thú, xem người dân phơi bánh, khách lại thích thú sà vào những hàng bánh đa nướng với những bếp than hồng rực. Chiếc bánh dưới sức nóng của lửa dày lên, tỏa mùi thơm nức. Mùi thơm của dừa, của lạc quyện cùng mùi thơm của gạo, của đường phèn làm bất kỳ thực khách nào cũng không thể kềm lòng. Cầm chiếc bánh vừa nướng giòn tan, cắn một miếng thấy như vị bùi, vị béo vị thơm như còn mãi trong miệng. Lò nướng bánh thơm lừng Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, banh đa dừa Thổ Hà nướng xong, ăn ngay tại chỗ sẽ ngon hơn rất nhiều. Ngon hơn bởi cái cảnh quan và tình cảm mà mỗi người dành cho vùng đất bình yên này. Ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm miếng nữa. Cứ thế cà kê với chiếc bánh đa thơm lừng bên tách chè nóng ấm mà quên mất trời đã về chiều.

Đứng trên con phà nhỏ nhắn rời làng, trong tay những lữ khách đường xa giờ lại có thêm những xâu bánh mang về làm quà. Đặc sản bánh đa Thổ Hà cũng cứ theo đó ngày càng lan xa… Người làm bánh đa ở đây không phải đem bán mà đều có người đến lấy tận nhà. Bánh đa Thổ Hà đã theo chân thương lái đến nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, như một món quà của ngôi làng ven sông Cầu thơ mộng.

Mỳ Chũ Nam Dương Đậm Đà

Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo – Bao thai hồng, hơn nữa lại được trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá. Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Hạt gạo rất chắc to,  khi nấu lên rất thơm, dẻo và trắng.

Có lẽ chính vì được làm từ hạt gạo đặc biệt như vậy, mà mỳ Chũ lại có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng và ngọt bùi nơi đầu lưỡi . Để tạo ra những sợi mỳ vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải tiến hành rất nhiều công đoạn hết sức công phu, cần phối hợp hài hòa các yếu tố về nguyên liệu đầu vào và sự tài hoa của các nghệ nhân làm mỳ.Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm mỳ phải là những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo; rồi được lọc đi lọc lại nhiều lần, tiếp đó ủ qua một đêm. Sáng hôm sau những người thợ mới hoàn tất quy trình làm mỳ. Cách làm mỳ Chũ cũng giống như cách làm các loại bánh tráng thông thường, những người nghệ nhân cũng sẽ đúc bánh trên tấm vải căng và sử dụng hơi nước sôi bốc lên. Sau đó mỳ sẽ được trải trên khung tre đem đi phơi nắng. Sau khi mỳ tương đối khô và còn hơi dẻo, họ sẽ cán hoặc cắt thành những sợi mỳ dài sau đó cuộn tròn lại cho ra thành phẩm cuối cùng.

Công đoạn ngâm gạo khá tỉ mỉ, nếu ngâm quá nhiều nước sẽ làm mất chất dinh dưỡng có trong hạt, do sự chênh lệch nồng độ giữa môi trường dinh dưỡng bên trong hạt gạo và môi trường nước ngâm dẫn đến nước thẩm thấu vào bên trong hạt, còn chất dinh dưỡng đi theo chiều ngược lại. Nếu ngâm quá ít nước thì quá trình hydrat hóa xảy ra không hoàn toàn, các chất dinh dưỡng khó phân tán vào môi trường nước ngâm. Mỳ Chũ là loại mỳ khô nên có thể để được rất lâu và không bị mốc nếu được bảo quản tốt. Và với vị thơm ngon đặc biệt, mỳ Chũ hoàn toàn có thể thay thế bún hoặc mỳ tươi trên thị trường. Ước tính mỗi ngày làng nghề sản xuất chế biến và tiêu thụ từ 14 – 15 tấn mỳ khô, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động nông nhàn của địa phương góp phần tích cực nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo. Hầu hết các hộ đã tự trang bị cho mình những máy móc đơn giản như máy thái mỳ, máy xay bột… Đây là bước đột phá mới của người dân làng mỳ hôm nay. Hấp dẫn bát mỳ chũ Bò Nó có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Nhúng để ăn lẩu, xào hoặc làm phở… Dù có chế biến như thế nào thì mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức. Do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời là sản phẩm an toàn cho sức khỏe nên hiện nay mỳ Chũ là sản phẩm hết sức quen thuộc với các bà nội trợ từ Bắc vào Nam.

Xem thêm: Tour Du Lịch Đông Tây Bắc

Gà Đồi Yên Thế Đặc Sản Sạch Bắc Giang

“Con gà cục tác lá chanh” là câu nói được nhiều người Việt thích nhất. Thịt gà trở thành món ăn thông dụng trong mỗi bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, không phải giống gà nào cũng ngon bởi ngày nay, hình thức gà công nghiệp được sản xuất khá mạnh. Để thưởng thức giống gà ngon, du lịch Bắc Giang, đừng quên gà đồi Yên Thế. Từ nhiều năm nay, gà đồi là giống vật nuôi quan trọng giúp người dân Yên Thế thoát nghèo, từng bước tạo lập cuộc sống ổn định.

Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có địa hình đồi núi trung du, diện tích tương đối rộng, tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả. Trong đó, gà đồi là một trong những vật nuôi thế mạnh của vùng. Do được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà Yên Thế có vị thịt ngọt, đậm. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm. Ngoài ra từ thịt gà, bạn có thể chế biến thành các món như: Gà hầm, gà rán, gà kho măng, gà rim dứa, tẩm vừng chiên, gà viên sốt …đều rất thơm ngon, bổ dưỡng. Sản phẩm sẽ luôn đồng hành cùng các bà nội trợ mỗi ngày để chế biến những món ăn ngon cho cả gia đình cùng thưởng thức. Do đó, với những thực khách sành ăn thì gà đồi Yên Thế luôn là lựa chọn ưu tiên.

Giống gà Yên Thế có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt gà có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Gà đồi Yên Thế, với 02 giống chủ lực là Ri lai và Mía lai được đánh giá là giống có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được chăn thả trên đồi cây, chăn nuôi quy trình sinh học. Để nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi, hiện nay, các hộ chăn nuôi gà tại Yên Thế đang tiến hành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo VietGAP. Cụ thể, trong suốt quy trình, bà con thường xuyên được tập huấn về cách chăm sóc gà an toàn sinh học, phòng dịch bệnh với lịch trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, tẩy giun sán… nghiêm ngặt. Trang trại chăn nuôi gà của các hộ gia đình nằm trên sườn đồi có tính biệt lập cao, cách xa các cụm, khu công nghiệp nên nguồn nước uống của gà cũng như môi trường sinh trưởng không bị ảnh hưởng. Hàng ngày, các khu trang trại này luôn được vệ sinh sạch sẽ. Phía dưới sàn, bà con lót một lớp vỏ trấu dày giúp chuồng luôn khô thoáng, chống ẩm mốc. Nguồn thức ăn chính của gà Yên Thế là ngô và hoàn toàn không có cám công nghiệp nên da gà có màu vàng tự nhiên, chất lượng thịt được đánh giá cao. Đàn gà Yên Thế được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap Thương hiệu gà đồi Yên Thế đã có nhiều năm nhưng chỉ mới đây dân ở xa vùng đất này mới được thưởng thức chúng như một thứ quà tặng từ núi đồi và cũng không mấy ai biết rằng, để có những trại gà Yên Thế, có khi người nuôi phải đánh đổi cả cơ nghiệp suốt đời tích góp…

Để xây dựng được một thương hiệu đáng giá như vậy, nông dân Yên Thế đã kiên trì với con gà trong hoàn cảnh thị trường bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập. Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền. Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của người chăn nuôi cũng như các cấp chính quyền, gà đồi Yên Thế được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, khẳng định được thương hiệu, góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tận gốc gà nhập lậu. Đặc biệt hơn nữa sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” là 1 trong 4 sản phẩm của Việt Nam lọt vào danh sách nhận cúp chứng nhận “sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á – ASEAN bestfood”.

Dân Dã Bún Đa Mai

Du lịch Bắc Giang không chỉ nổi tiếng bởi hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình mà nơi đây còn gắn liền với nhiều món ngon đặc sản thu hút du khách về thưởng thức. Khi nói về văn hoá ẩm thực của vùng đất Bắc Giang, ta không thể bỏ qua món “Bún Đa Mai” sản phẩm bún được làm ở xã Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang. Nguồn sống chính của người dân Đa Mai là chế biến lương thực, mà nổi tiếng là sản phẩm bún đã được người dân khắp nơi ca ngợi : Bánh tro Đa Mai, bún Đa Mai, vai làng Đò, giò làng Thương, tương làng Bún…

Sản phẩm bún Đa Mai nổi tiếng từ lâu đời và ngày càng phát triển với chất lượng cao. Nguyên liệu làm bún là gạo bao thai hồng loại 1, gạo T16, đem vo, đãi sạn rồi ngâm nước 7- 8 tiếng. Tiếp đến cho gạo vào cối xay bột nước, xay vài lần cho bột thật nhỏ mịn, đem ngâm kỹ hơn 2 ngày 2 đêm. Trong ảnh là khay bột nước trước khi được ép khô. Bột qua lọc được ép hết nước, để khô rồi viên thành thành từng quả bột to vừa phải. Các quả bột này tiếp tục được cho vào nồi luộc chín độ 1/4, rồi lại bỏ vào cối giã nhuyễn để tạo độ dẻo. Qủa bún lấy ra cho vào chậu sành nhào thật kỹ, rồi lại đem lọc lại và chỉ lấy phần bột nhuyễn cho vào khuôn ép để trên nồi nước đã đun sôi, các sợi bún sẽ chảy xuống nồi. Khi các sợi bún nổi lên là chín, vớt ra đem thả vào nước sôi để nguội khoảng 25 độ rồi dỡ ra để nguội, đem bán. Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, bổ để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè, hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày. Bún là món ăn dân dã thích hợp với khẩu vị của nhiều người. Từ sản phẩm bún, mọi người có thể chế biến ra nhiều món ẩm thực vô cùng hấp dẫn, như: bún riêu cua, bún ốc, bún cá, bún ngan, bún vịt, bún măng, bún chân giò, bún thịt chó, bún chả, bún chấm nước mắm cà cuống, bún chấm mắm tôm, bún đậu, bún nem, nộm bún

 Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, mỗi loại bún kể trên cũng được kết hợp với từng món sao cho phù hợp; ví dụ như: bún rối thì được chế biến trong món bún có chan nước, như: bún cá, bún rêu cua, bún ốc, bún bò, bún măng, bún thịt nướng… Bún chả không chan nước nhưng cũng dùng bún rối. Bún vẩy ốc, bún lá …lại được kết hợp với những món không chan nước như bún chấm mắm tôm, bún chấm cà cuống, bún đậu chấm mắm tôm, bún nem chấm nước mắm. Với loại hình ẩm thực này, từng con bún sẽ được cắt nhỏ đặt lên đĩa, khi ăn thực khách sẽ lấy đũa gắp bún và chấm vào nước chấm, kết hợp với món ăn như đậu rán, nem rán hoặc chỉ ăn bún không khi chấm với nước mắm cà cuống, mắm tôm, tuỳ vào khẩu vị và lựa chọn của mỗi người… Phải nói rằng, bún là một sản phẩm “đa năng”, có thể dùng trong mọi hoàn cảnh (ăn sáng, ăn trưa, ăn tối) dùng trong đám cưới, đám giỗ, đám hiếu…Thậm chí, khi gia đình đã vào bữa mà có khách đến, chỉ cần ra chợ mua thêm chút bún Đa Mai về đãi khách cũng đã tỏ rõ sự hiếu khách rồi. Món ngon bún chả được lòng du khách bởi sợi bún bánh Đa Mai thơm ngon Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc. Làm bún là một nghề lắm công phu và cũng vô cùng nặng nhọc. Để làm ra một sản phẩm bún đã khó, nhưng để có một sản phẩm bún đạt tiêu chuẩn và có chỗ đứng trong thị trường như bún Đa Mai thì người làm bún phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, sự kiên trì và đôi bàn tay vô cùng khéo léo. Quy trình làm bún trải qua nhiều công đoạn: Gạo đem ngâm với nước ủ chua từ 2- 3 ngày sau đó đem xay hoặc nghiền thành bột nhỏ mịn rồi đem lọc tách nước. Bột mịn được vo viên thành từng quả to vừa phải rồi cho vào nồi luộc chín tới 1/4 quả, sau đó cho vào cối giã để tạo độ dẻo. Quả bún lấy ra cho và chậu sành nhào thật kỹ, rồi lại đem lượt và chỉ lấy phần bột nhuyễn cho vào khuôn ép thành sợi bún. Hiện Đa Mai có 220 hộ làm bún, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 7 tấn. Nghề làm bún và sản phẩm bún đã trở thành niềm tự hào của người dân Đa Mai. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây thay đổi và ngày càng khấm khá hơn cũng là nhờ nghề và sản phẩm bún. Để gìn giữ, phát huy tôn vinh nghề quí báu này, đã từ lâu, cứ vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, dân làng lại tổ chức hội thi bún tại đình làng. Bún được giải là bún dẻo, trắng, bóng mượt, không có vị chua. Giải thưởng thì không trọng về vật chất, mà chỉ lấy tiếng. Thi để động viên khuyến khích những gia đình làm bún giỏi, đồng thời cũng nhắc nhở những gia đình nào làm chưa tốt thì phải phấn đấu làm tốt hơn, để giữ tiếng “bún Đa Mai”. Suốt thời kỳ 2 cuộc kháng chiến và những năm sau đó, do nhiều nguyên nhân mà cuộc thi bún không còn được tiếp tục tổ chức nữa, mãi đến năm 1999, nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân thì cuộc thi bún mới được tái hiện.

Hiện nay, bún Đa Mai vẫn có chỗ đứng khá vững trên thị trường, không chỉ cung cấp sản phẩm cho địa bàn thành phố Bắc Giang, mà còn còn có mặt ở nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh. Với văn hoá ẩm thực xứ Bắc, không thể không kể đến bún Đa Mai.

Lâng Lâng Chè Kho Làng Mỹ Độ

Mỗi một vùng quê lại có những món ngon truyền thống, thể hiện văn hóa đặc trưng của vùng miền. Trong những món ngon khó quên đặc sản Bắc Giang phải thưởng thức không thể không kể đến món chè đỗ đãi ngọt ngào của làng Mỹ Độ – một ngôi làng nhỏ nằm ven bờ sông Thương, bên cạnh các đặc sản có tiếng như: mỳ Chũ, bánh đa Kế, vải thiều Lục Ngạn…

Chè kho Mỹ Độ với vẻ ngoài mang màu vàng sậm bắt mắt vô cùng. Thỉnh thoảng trên màu vàng ấy lại xuất hiện những hạt vừng lấm tấm lại khiến món ăn nhìn bớt đơn điệu và thơm ngon hơn. Chè đỗ đãi đạt yêu cầu phải ráo, có độ dai, mềm nhất định. Đưa miếng chè lên miệng, chè tan nơi đầu lưỡi nhanh chóng lan toả cái vị ngọt thanh nhưng vẫn đậm đà độc đáo. Có thể thưởng thức món chè này như người Mỹ Độ vẫn thường làm: xắt từng lát nhỏ rồi dùng đũa, rĩa hoặc tăm cắm và đặt vào miệng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, sẽ đặc biệt thú vị nếu như ta ăn chè đỗ đãi với xôi vò – loại xôi có thêm đỗ xanh chín giã nhỏ, nắm thành từng nắm rồi dùng dao thái tơi. Hai thứ đó được ăn lẫn cùng với nhau vừa ngon mát, lại vừa mang tính chất tráng miệng. Chính bởi điều này nên trên bất cứ mâm cỗ cưới hoặc ngày Tết nào của người dân nơi đây cũng đều có 2 đĩa: chè đỗ đãi và xôi vò. Thế nhưng ngoài xôi vò, người Mỹ Độ vẫn còn một thói quen khác là ăn chè đỗ đãi cùng với uống trà sen – một thứ đặc sản khác của vùng đất này vào buổi sớm. Ngoài tác dụng lót dạ, cái vị ngòn ngọt, bùi bùi của chè hòa lẫn với hương thơm thoang thoảng của sen còn làm cho đầu óc, tinh thần ta thoải mái hơn. Đó cũng là cái thú, cái nét rất riêng trong việc thưởng thức chè đỗ đãi.

Quấy chè Chè kho Mỹ Độ mang vị beo béo thoang thoảng của mỡ, cùng vị ngọt thanh của đường, vị thơm của vừng, ngọt của đậu xanh quyện vào nhau rất vừa miệng làm ai cũng thích thú khi thưởng thức. Món chè đỗ đãi đã tồn tại gần 100 năm nay, khi những người nông dân làng Mỹ Độ trồng đậu xanh trên cánh đồng rộng lớn. Khi xưa, chè đỗ đãi thường được sử dụng vào những dịp lễ tết hay khi làng có hội.Ngày nay chẽ đỗ đãi được sử dụng thường xuyên và trở thành một thứ hàng hóa đặc sản đối với người Bắc Giang. Trong nhiều mâm cỗ, chè đỗ đãi được đặt trang trọng như một món tráng miệng khoái khẩu. Chè đỗ đãi Mỹ Độ cũng đã trở món quà quê độc đáo để người Bắc Giang giới thiệu với bạn bè gần xa…  

Nghệ nhân Phan Thị Thêm ở làng Mỹ Độ đã có gần 20 năm gắn bó với món chè này. Cô cho biết để làm được một mẻ chè ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Làm được 1 đĩa chè đỗ đãi ngon nhất thiết phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu tới quá trình làm. Các nguyên liệu chính của chè bao gồm đỗ xanh loại đẹp, đường kính cùng nguyên liệu phụ là mỡ, hương vani và vừng (dùng để rắc lên mặt đĩa chè). Đỗ để nấu chè phải là loại đỗ mới, hạt đều được xay vỡ rồi ngâm bằng nước ấm và đãi sạch vỏ. Để đãi được hàng chục kg đỗ sạch vỏ trong thời gian nhanh nhất cũng đòi hỏi sự khéo léo của người trong nghề. Sau khi cho ra đĩa, chè được rải vừng lên tạo mùi thơm Đỗ đãi vỏ, đổ vào nồi, cho nước trên đốt ngón tay thì bắt đầu nổi lửa. Khi nấu phải dùng củi, vì củi giúp giữ nhiệt lâu, lại có thể điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp. Công đoạn này phải canh lửa thật khéo, vì lửa to, nồi chè dễ bén mà lửa nhỏ, đỗ sượng không chín đều cũng coi như hỏng. Khi đỗ sủi phải hớt hết bọt, ninh cạn, giảm lửa, vần nồi chè trên bếp bằng nhiệt than củi cho đỗ chín đều. Khi đỗ bắt đầu nhuyễn, là lúc cho đường vào. Cứ 1kg đỗ thì 1,3 kg đường, nếu thiếu đường, chè sẽ không sánh, dễ vữa khi đổ khuôn. Sau khi cho đường vào, chè dễ bén nồi vì thế điều chỉnh ngọn lửa chỉ liu riu trên bếp. Lúc này, khâu quấy chè là rất quan trọng. Quấy liên tục, đều tay, càng quấy nhiều, chè càng nhuyễn, càng sánh. Đun nồi chè thông thường hết 5 tiếng thì riêng việc quấy chè đã mất gần 3 tiếng.

Để đĩa chè đẹp mắt, khâu múc chè cũng phải có kỹ thuật, phải múc khi nóng đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn. Để đĩa chè đẹp mắt, khâu múc chè cũng phải có kỹ thuật, phải múc khi nóng đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn. Lúc này rắc vừng đã rang chín vàng, sẩy sạch vỏ lên trên mặt đĩa chè. Toàn bộ quy trình chế biến này kéo dài từ 6 – 8 giờ đồng hồ tùy tay nghề của mỗi người. Trở thành món ăn nổi tiếng, chè đỗ đãi Mỹ Độ ngày này đã trở món quà quê độc đáo để người Bắc Giang giới thiệu với bạn bè gần xa…Du lịch Bắc Giang, bạn đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo này nhé.

Cua Da Độc Lạ

Bắc Giang không chỉ nổi tiếng với vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Chũ, cam sành mà trên dòng sông Cầu thơ mộng còn sản sinh ra một món ăn hấp dẫn không kém, được mang tiếng quý, hiếm: cua da. Nếu có dịp về với đất Yên Dũng (Bắc Giang) vào cữ gió heo may về, thế nào bạn cũng sẽ được chiêu đãi một trong những món ngon và hiếm được chế biến từ cua da.

Yên Dũng Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương mà dân trong vùng quen gọi là “cua da”. Loài cua này rất đặc biệt ở chỗ chỉ thấy vào mùa lạnh, càng lạnh càng “ra” nhiều và chỉ xuất hiện trong thời gian khoảng hai tháng (tháng 10 và tháng 11 âm lịch) hằng năm. Đây là một loài cua sông cỡ bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài hơn, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến nhiều người băn khoăn về tên gọi của nó: “cua ra, cua da hay là cua gia?” Có người nói phải gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào”. Có người lại nói phải gọi là “cua da” vì loài cua này có một lớp da trên càng. Có người lại bảo phải gọi là “cua gia”, vì đơn giản tên gọi ấy nghe có vẻ hay hơn, hợp lý hơn. Cho đến bây giờ, khi đã để tâm tìm hiểu, tôi vẫn không biết tên gọi đích thực của loài cua này và theo như phân tích, tôi tạm gọi theo quan điểm thứ hai, “cua da”. Theo người dân sống quanh vùng sông Cầu Yên Dũng cho biết “Khoảng 10 năm về trước, người đi chài lưới rất ghét loại cua này vì nó rất tanh. Nhưng từ khi người dân biết ăn cua bằng cách hấp bia, có sả, gừng nhâm nhi cùng thứ rượu nếp thơm nồng nút bằng lá chuối; biết giã ra nấu riêu ăn với bún có kèm rau sống cùng một chút hoa chuối thì nó trở thành đặc sản”.

Thịt cua da ngọt, lớp vỏ ở chân cua, càng cua khá mềm nên có thể dùng tay cũng tách ra được dễ dàng. Để có một nồi canh cho 5 người ăn chỉ cần 3-4 con cua là đủ sánh đặc ngọt lịm… Tuy vậy, không chỉ với người Hà Nội sành ăn mà không ít người dân sống ở Yên Dũng cho đến bây giờ vẫn chưa biết cua da là “mặt mũi” thế nào? Đa số những thứ quý đều được gia tăng giá trị từ yếu tố…hiếm. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, cua da có thể được chế biến thành nhiều món như: cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Bỏ cua vào thùng, xả nước và xóc mạnh cho sạch. Mỗi con cua to nặng 100g-200g, xếp vào nồi, rắc thêm chút bột canh, bỏ thêm xả, gừng, rót bia xâm xấp mình cua, đặt lên bếp. Để lửa thật nhỏ, đun li ti cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho sôi bồng lên là bắc ra. Lửa nhỏ để giữ cho càng và chân không bị rụng, đồng thời để gia vị ngấm, khử mùi tanh. Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn không cần dùng đến kẹp như cua hay ghẹ biển. Ăn cua da chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.

Với vị ngon lạ nên cua da càng ngày càng được săn lùng. Thậm chí, vào mùa cua, thực khách sành ăn hàng ngày, hàng tuần đua nhau lùng cua, đặt trước bà con đánh bắt được thì để dành cho. Chỉ cần nhìn thôi cũng đủ kích thích rồi Vào vụ cua, bà con đua nhau đánh bắt, nhưng phải người nào may mắn mới có thể bắt được cua. Cua sống ở những ghềnh đá dưới đáy sông, muốn bắt được phải đánh lưới dầm vào ban đêm, dùng lưới bát quái, với hình thù đặc biệt để bắt cua. Vì đánh bắt khó, số lượng không nhiều nên với người dân sống ven sông Cầu, với người sành ăn, cua da là sản vật đáng giá, đáng công. Thật cảm ơn cho người đưa món cua này vào thành món đặc sản. Nó không chỉ giúp người dân nơi đây tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần đưa vùng đất này có thêm một món đặc sản “của hiếm cua da”.

Xôi Trứng Kiến Vừa Ngon Vừa Lạ

Vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) nổi tiếng với những làn điệu soong hao, sli, lượn dặt dìu, cùng các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc như lợn quay, khâu nhục…, nhưng với tôi ấn tượng nhất có lẽ là món xôi trứng kiến. Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và chúng được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, ngon và chữa bệnh hiệu quả.

Công đoạn tìm lấy trứng kiến

Xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người dân tộc Tày, đặc biệt vào mùa xuân, kiến ở trong rừng đẻ nhiều trứng nên đây là thời điểm vàng để thưởng thức món ăn lạ miệng thơm ngon này. Mỗi dân tộc đều có một đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng, người dân tộc Tày cũng vậy, những món ăn độc đáo làm nên bản sắc rất riêng của họ, và phần lớn những món ăn này đều có nguồn gốc từ những loại thực phẩm phổ biến trong bản, trong rừng mà họ sinh sống.

Trứng Kiến lấy từ loài kiến có thân màu nâu (từ đầu đến ngực), riêng bụng có màu đen Theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều loài kiến trong rừng, nhưng chỉ có một loài có thể ăn được trứng. Loài kiến này to gấp ba, bốn lần những loài kiến ta thường gặp, có thân màu nâu (từ đầu đến ngực), riêng bụng có màu đen, chuyên sống và làm tổ trên cây. Quan sát tổ kiến này chẳng ai thấy kiến chúa bao giờ và cũng chẳng biết chúng sinh hoạt ra sao, chỉ biết chúng thường làm tổ trên những chạc cây không cao lắm. Tổ bé thì bằng cái tô, to bằng ấm hãm nước uống. Tổ được kết từ lá khô mục, gió rung không rụng, mưa xối không ướt. Từng đàn kiến ra vào trong trật tự, không cắn nhau mà cũng chẳng tranh giành. Công đoạn lên rừng thu lượn trứng kiến Mùa trứng kiến chỉ từ tháng ba đến tháng tư âm lịch. Tiết trời ấm áp, cây cối xanh tươi, khi những hạt trứng li ti lớn dần trong tổ, to bằng hạt gạo là lúc người dân thu lượm mang về. Dụng cụ lấy trứng kiến là một chiếc rá to được buộc cán dài hơn sải tay, thân cán buộc túm hoa cỏ tranh để kiến không theo cán mà bò vào người. Tổ kiến được lấy xuống đặt vào miệng rá rồi đập liên tục cho trứng kiến rơi vào lòng rá. Động tác càng nhanh càng tránh nguy cơ kiến cướp trứng mang đi. Một tổ kiến bình thường thu khoảng một bát ăn cơm trứng, tổ to thì hơn. Khi đã được lưng rá đem về nhà phải tiếp tục vài công đoạn nữa mới có thể đem trứng kiến chế biến thành món ăn ngon. Đầu tiên là sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất từ tổ kiến. Sàng sảy kiến phải nhẹ nhàng để tránh vỡ trứng, nát trứng. Khó hơn, khi những con kiến già không chịu rời trứng, phải lấy khăn mặt khô lau lướt qua lại nhiều lần trên mặt nia cho chúng bám vào rồi đem chỗ khác giũ sạch… Cứ thế nhiều lần, kiến già sẽ hết. Cẩn thận hơn, có thể bỏ trứng kiến vào chậu nước sạch, ấm đãi thêm lần nữa để kiến già và tạp chất nổi lên, hớt đi và có mẻ trứng kiến an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.

Món xôi trứng kiến

Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị. Món trứng kiến ăn có hương vị thơm ngon, ngòn ngọt, bùi béo mà lại không hề ngấy Khi kết hợp với xôi trở nên hấp dẫn. Cách làm món xôi này đơn giản. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 tiếng, sau vớt ra để cho gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là xôi được. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này.

Món xôi trứng kiến còn là một món ăn không thể thiếu được trong lễ hội của người Tày, đặc biệt là trong dịp tết Hàn Thực ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân tộc Tày đều thổi xôi trứng kiến hoặc bánh trứng kiến để cúng tế Thành Hoàng làng. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, nếu về vùng Lục Ngạn hãy đi vào tháng ba là tuyệt vời nhất. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi. Du lịch Bắc Giang về với vùng Lục Ngạn, đừng quên thưởng thức món ngon hấp dẫn này nhé.

Thương Nhớ Bánh Đúc Đồng Quan

Bánh đúc là món ăn dân dã của nhiều làng quê người Việt, đi vào trong ký ức của bao thế hệ. Và hình ảnh bánh đúc đi vào thơ ca với nhiều sắc thái khác nhau ” mấy đời bánh đúc có xương” hay “nơi quê ta bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt”. Bánh đúc cũng có ít nhiều biến tấu khi đến với mỗi vùng miền, khi người ta cho vào đó màu xanh của lá dứa để làm thành món bánh đúc cẩm thạch của miền Nam, rồi thêm đậu phụng trên mặt bánh để gọi là bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, làm bằng bột bắp để có bánh đúc ngô…Tuy nhiên, để nói về sự nổi tiếng, bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang là ngon nhất.

Nếu bánh đúc thuần túy rất giản dị được nấu từ bột gạo pha với nước vôi trong. Tuy nhiên, mỗi vùng có một cách chế biến khác nhau, cho hương vị khác nhau và cách thưởng thức cũng khác nhau. Trong số đó thì bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát. Thôn Đồng Quan có nghề làm bánh đúc gia truyền từ lâu đời và cho đến nay bánh đúc làng Đồng Quan đã đạt đến trình độ tinh tế. Để làm bánh, người Đồng Quan chọn loại gạo tẻ ngon đem ngâm 3 ngày 3 đêm, mỗi ngày thay 1 lượt nước, đến khi di trên đầu ngón tay thấy hạt gạo nhuyễn mới đem xay. Vôi dùng để quấy bánh không phải vôi đã tôi ở thùng, ở bình mà đem vôi cục nướng lên, hòa vào nước rồi gạn lấy nước trong, đem gạo đã xay hòa với nước vôi này để nấu bánh.

Theo người dân làng Đồng Quan, để có bánh đúc ngon thì quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và quấy bánh. Chuẩn bị một cái nồi đã được tráng mỡ, đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ngay. Lửa nấu phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không khê. Tùy theo kinh nghiệm và cảm nhận của nười nấu sẽ biết khi nào nồi bánh gần được thì đậy vung, tắt lửa, để om trên bếp một lúc rồi cho lạc rang, dừa xát mỏng vào. Lại quấy tiếp tới lúc bột quánh dẻo, các nguyên liệu hòa đều, lấy đũa cả đánh lên thả xuống thấy róc đũa là được. Bánh đúc chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được. Bánh đúc Đồng Quan là món quà quê dân dã nhưng được nhiều người lưu luyến Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Bánh mang vị thơm của lạc, nồng nhẹ của mùi vôi và theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, người dân Đồng Quan thì có thể kết hợp ăn với nhiều thứ, từ mật đến riêu cua, mắm tôm… nhưng hợp nhất và ngon nhất có lẽ chỉ có tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm. Có thể nói bánh đúc chấm tương bần là nỗi niềm, là nhớ thương của mỗi người con Đồng Quan xa quê…Và nếu được thưởng thức bánh đúc trên chiếc chõng tre, trong không gian thoang thoảng hương thơm của dàn hoa thiên lý, cùng âm thanh vi vu của sáo thì càng làm cho tình quê và hồn người thêm say đắm, hòa quện. Nếu có dịp về Đồng Quan, bạn đừng quên thưởng món bánh đúc truyền thống nơi đây, của mảnh đất Bắc Giang thấm đượm tình người: “Bánh đúc mà đổ ra sàng Thuận em em bán, thuận chàng chàng mua”.

Thưởng Thức Bánh Vắt Của Người Cao Lan

Người Cao Lan ở Bắc Giang ngày tết ngoài món bánh chưng truyền thống dân tộc còn có một món bánh đặc trưng không phải nơi nào cũng có: Banh vắt vai. Đây là món bánh dùng để dâng lên ông bà tổ tiên và biếu tặng người thân. Theo người dân Cao Lan mùng 3.3 (âm lịch) là cái tết quan trọng trong năm (chỉ sau tết Nguyên đán) và bánh vắt vai là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình.

Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, vào ngày này, người làm lễ, bản Đồng Bụt cũng tất bật hết bản trên, xóm dưới để làm lễ tạ đất trời, cầu mong may mắn cho xóm làng và gia chủ. Thông tin: Thường một năm, người Cao Lan làm bánh vắt vai hai lần (Tết Nguyên đán và mồng 3- 3 âm lịch). Ngoài để thờ cúng tổ tiên, bánh vắt vai còn là món quà biếu. Bánh được làm với hai phần riêng biệt ở hai đầu, thắt lại ở giữa nên có thể vắt lên vai mang đi biếu người thân hay mang theo lên rẫy. Bánh vắt vai người Cao Lan được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của dân tộc này ở Bắc Giang. Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm. Làm bánh vắt vai không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi phải khéo léo và có chút kinh nghiệm. Người Cao Lan quan niệm nếu năm nào được mùa lúa, ngô tươi tốt, vật nuôi đầy nhà thì họ sẽ làm nhiều bánh và ăn tết to hơn.

Thoạt nhìn, nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh. Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm. Bánh vắt vai có vị dẻo của nếp. thơm của đậu và mùi đặc trưng của ngải cứu Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường. Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa. Trong những dịp lễ, Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải bảo đảm cả về hình thức và hương vị, có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê hoặc được người Cao Lan mời ăn trong mỗi dịp lễ hội. Du lịch Bắc Giang thật ấn tượng bởi những món ăn độc đáo thế này.

Xem thêm: Khu Du Lịch Hàm Rồng – Nàng Tiên của Sapa

 

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN