Những địa điểm thiên nhiên cho ai yêu thích Hà Giang
Ai cũng có những lần đầu, những bước đi đầu tiên, những câu nói đầu tiên, những mối tình đầu tiên, Hà Giang cũng vậy sẽ có rất nhiều bạn là lần đầu tiên đến với Hà Giang địa đầu tổ quốc.
Nhưng bạn đã biết được bao nhiêu về Hà Giang, bạn có biết mình cần đi đâu, đến những địa điểm nào trên cùng 1 tuyến đường và thuận tiện nhất. Bạn có biết ý nghĩa những địa điểm mà bạn đã đi qua, bạn có nhìn thấy núi rừng thật tuyệt vời, bạn có thấy những con người chân chất, bạn có thưởng thức những món ăn ngon tuyệt mà bạn sẽ không thể nào quên.
Đúng vậy mỗi chuyến đi, mỗi lần đầu tiên không phải để khoe khoang, không phải để đi để bằng bạn bằng bè, đi không phải là cái gì đó quá to tát.
Hãy đi bằng trái tim, hãy nhìn bằng mắt thật xa nhưng hãy cảm nhận bằng các giác quan bằng trái tim của bạn, bạn sẽ thấy Hà Giang thật tuyệt, đất nước chúng ta thật tươi đẹp.
Dưới đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới nơi địa đầu của tổ quốc này trong lần đầu tiên.
Xem thêm: Tour du lịch Đông Tây Bắc
Núi đôi Quản Bạ (Núi Cô Tiên)
Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang 40 km, thuộc địa phận thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Có lẽ đây là lần đầu những bạn đang đọc bày này nghe tới địa danh Núi đôi QUản Bạ, vậy hãy cùng tìm hiểu tại sao lại là Núi đôi, tại sao bạn nên đến nơi đây nếu có cơ hội đi Hà Giang.
Đây là một trong những địa điểm nổi tiếng khi du khách đi qua vùng đất này không khỏi ngỡ ngàng với hình dáng khá kỳ lạ được tạo hóa tạc nên giữa núi rừng. Du khách có thể nghỉ chân tại nhà chờ, leo lên trên đồi để chụp ảnh và ngắm toàn bộ khung cảnh núi đôi từ trên cao.
Nhìn từ xa như trên bức hình các bạn có thể thấy núi được hình thành khá đặc bệt, 2 ngọn núi gắn liền với nhau có hình dáng và kích thước gần như nhau. Đây chính là điều đặc biệt vì gần như không có ngọn núi nào ở Việt Nam như vậy. Xung quanh khu vực núi đôi là ruộng lúa và có cả khu dân cư nên đường tới núi đôi không quá khó khăn.
Nhà của Pao
Một địa điểm mà bạn nào đã xem bộ phim “Chuyện của Pao” thì chắc hẳn là biết, không có gì quá nổi bật, không xa hoa tráng lệ, không cầu kỳ độc đáo so với những ngôi nhà khác, không phải những ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm vậy tại sao ngôi nhà này lại đặc biệt. Vì bộ phim chuyện của Pao, không đó chỉ là 1 phần mà thôi vì ngôi nhà có câu chuyện riêng của mình, ngôi nhà đại diện cho hình ảnh những người dân tộc, ngôi nhà là một biểu tượng văn hóa được bộ phim “Chuyện của Pao” truyền tải đến với người dùng. Dưới đây là câu chuyện mà các bạn đang quan tâm.
Từ một ngôi nhà lấy làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, giờ đây địa danh này đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Hà Giang, thuộc thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ngôi nhà cổ trên 80 năm tuổi, được xây theo lối truyền thống của dân tộc Mông qua bộ phim của đạo diễn Ngô Quang Hải đã trở nên gần gũi, giản dị hơn với du khách. Đây cũng là điểm được chụp ảnh rất nhiều ở Hà Giang.
Ngôi nhà đã mang đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về những con người dân tộc ở Hà Giang nói riêng và những người dân tộc ở vùng Tây Bắc nói chung. Một câu chuyện đời thường nhưng trong đó là nhiều thông điệp nhân văn và những mơ ước nhỏ nhoi của con người nơi nghèo khó này. Thông điệp về tình yêu, tình người được khắc họa một cách sâu sắc đã làm bao người xem phải bùi ngùi xúc động, như ai đó đã thấy chính bản thân mình trong câu chuyện.
Dinh vua Mèo
Thêm một điểm đến mang đậm yếu tố văn hóa của con người Hà Giang nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc thiều số sinh sống. Không phô trương, không quá nổi bật, vẫn là sự đơn giản nhưng không thiếu phần tinh tế của đại đa số kiến trúc Hà Giang.
Khu di tích dinh Vua mèo Vương Chính Đức – người từng cai quản cả khu vực Cực Bắc – Đông và Tây Bắc nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km, cách thành phố Hà Giang chừng 130 km. Đây là một địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Đồng Văn, để thấy được lối kiến trúc tinh xảo cũng như bề thế của vua Mèo. Tại đây bạn cũng sẽ được nghe những câu chuyện thú vị về người chủ của dinh thự.
Giờ đây khu dinh thự này đã được quy hoạch và bảo tồn để trở thành 1 địa điểm du lịch thu hút du khách đến với Hà Giang. Đây cũng là cách đơn giản nhất để bà con dân tộc nơi đây có thêm thu nhập từ du khác, cũng như quảng bá được nét văn hóa của dân tộc mình ra bên ngoài. Vẫn những câu chuyện củ, những con người đó nhưng qua thời kỳ công nghệ phát triển sẽ rất nhanh và rất nhiều người biết đến Dinh vua Mèo.
Cột cờ Lũng Cú
Địa đầu tổ quốc, điểm đến ưa thích của các phượt thủ nơi đánh dấu cột mốc chủ quyền phía bắc của đất nước ta. Cột cờ là địa điểm thiêng liêng và có ý nghĩa ở nhiều mặt thể hiện sự đoàn kết độc lập, tự tôn, tự cường của dân tộc.
Là cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn. Có hai đường lên, một đi từ đoạn dinh vua Mèo đi thẳng lên hoặc đi từ thị trấn Đồng Văn lên, dài khoảng 22 km. Đây là một trong những điểm không thể bỏ qua với bất cứ du khách nào khi lần đầu đến với vùng đất địa đầu tổ quốc, là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Bạn có thể gửi xe, mua vé và leo 839 bậc để lên đến cột cờ. Từ trên cao có thể ngắm toàn cảnh cực Bắc tổ quốc.
Đèo Mã Pí Lèng
Được biết đến là cung đường dành cho dân phượt nhiều hơn cung đường nguy hiểm ở Việt Nam, đèo Mã Pí Lèng là một thử thách, một cửa ải hay đơn giản chỉ là 1 con đường đèo uốn quang các núi đá cao bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Tùy vào đánh giá và góc nhìn của mỗi người mà Mã Pí Lèng mang một ấn tượng một đặc điểm khác nhau. Nhưng không thể phủ nhận rằng đây là con đèo nổi tiếng nhất Tây Bắc.
Là một cung đường đèo hiểm trở dài gần 20 km nối từ thị trấn Đồng Văn với Mèo Vạc. Con đường được hàng chục nghìn thanh niên của 16 dân tộc của 8 tỉnh miền bắc làm trong suốt 6 năm để hoàn thành. Sau này nơi đây được đặt tên thành con đường Hạnh Phúc, ở giữa có trạm nghỉ chân để mọi người có thể ngắm toàn cảnh hùng vĩ của đỉnh Mã Pí Lèng và từ đó ngắm nhìn dòng sông Nho Quế chảy uốn lượn qua các dãy núi.
Đèo Mã Pí Lèng được xây dựng với mục đích hỗ trợ và phát triển kinh tế các khu vực ở miền núi Tây Bắc và đặc biệt là Hà Giang. Đèo mang nhiều ý nghĩa về cả mặt dân sự và kinh tế, hỗ trợ nhiều cho các cùng còn thiếu thốn, kêt nối vùng sâu vùng xa và các vùng đồng bằng khác nhau. Đưa mọi người gần nhau hơn, kết nối vùng miền, kết nối tri thức, kết nối những trái tim.
Cánh đồng hoa Tam Giác Mạch
Vào thời điểm tháng 11 hàng năm khi những cánh đồng Hoa Tam Giác Mạch nở rộ thì Hà Giang lại nhộn nhịp lên hẳn. Không chỉ du khách mà cả những người dân địa phương đều hân hoan chào đón những cánh hoa nhỏ xinh hồng nhạt đua nhau khoe sắc. Có lẽ 1 hai bông hoa chẳng là gì nhưng nếu ở đây là cả 1 cánh đồng, cả 1 ngọn đồi thì thật tuyệt vời phải không?
a hoa là niềm tự hào của người dân Hà Giang đang ngày được biết đến nhiều hơn, người dân nơi đây được hưởng lợi từ những gì đã có trên quê hương của họ một cách chính đáng. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi những cánh đồng hoa ngày càng được chăm chút một cách cẩn thận và công phu hơn trước kia.
Khám phá Hồ Noong
Hồ Noong là hồ nước tự nhiên thuộc xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang và nằm cách thành phố Hà Giang chừng 23km. Hồ Noong được biết đến với rừng cây nổi trên mặt nước, được ví là một trong những khu rừng nổi của Việt Nam trong top những khu “tiên cảnh” trên mặt hồ.
Điểm đặc biệt của hồ Noong là giữa lòng hồ có những gốc cây xanh tốt nhưng cũng có những gốc cây khô tạo nên một cảnh quan khá thú vị. Hồ Noong là hồ đất ngập nước, thuộc loại địa hình đặc biệt bởi hồ vừa có thể nuôi trồng thuỷ sản, vừa có thể trồng trọt rau màu.
Ngoài ra đến với Hà Giang, nhất là vào thời điểm cuối năm, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng các cánh đồng bạt ngàn hoa tam giác mạch, đến với chợ Mèo Vạc, bản Lô Lô ở Lũng Cú…
Hang Lùng Khúy
Hang Lùng Khúy nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang) trên 10 km, thuộc thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ. Hang động nằm ở lưng chừng một quả núi, với thời tiết không có sương mù, đứng ở cửa hang có thể quan sát toàn bộ khu vực xã Cán Tỷ (Quản Bạ).
Phía trong hang động còn khá nguyên sơ. Từ bên dưới cũng như trên mái vòm của hang động có vô số nhũ đá được kiến tạo với các hình dạng khác nhau.
Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những nhũ đá trắng, trong suốt theo dạng thạch nhũ, rèm nhũ, nhiều sợi nhũ dài 1-2 m màu trắng xếp thành hình răng lược tựa như một chiếc đàn đá khổng lồ. Ngoài ra, hang còn có những nhũ đá lớn như một tòa tháp, một cây hoa long lanh trong vắt.
Vào Lùng Khúy bạn như lạc trong một thế giới riêng của hang động, từ bức tường đá vừa mềm mại vừa sừng sững, uy nghiêm, cho đến những chùm đèn điệu đà như nở hoa trên tường đá. Có bức tường đá được mệnh danh là “cây đàn thần” với những âm thanh kỳ lạ phát ra mỗi khi dùng tay gõ nhẹ vào. Từng dải đá như một phím đàn với âm điệu khác nhau.
Huyện Quản Bạ mở cửa chào đón du khách vào tham quan hang Lùng Khúy từ ngày 12/11/2015, thu hút gần 200 lượt du khách trong và ngoài nước. Vé cho một người vào hang là 50.000 đồng.
Lùng Khúy ban đầu được người dân địa phương phát hiện khi tìm thấy bãi phân dơi ở gần khu vực cửa hang. Từ thị trấn Tam Sơn, mất chừng 8 km đường ô tô và 2 km đường leo bộ để tới cửa hang.
Bãi đá Mặt trăng trên cao nguyên đá Hà Giang
Không gian của đá, với màu sắc và hình khối độc lạ của những địa hình núi đá vôi, tạo nên nét đặc biệt của những bãi đá mà người ta gọi là bãi đá Mặt trăng trên cao nguyên đá Hà Giang. Đây là một trong những cung đường cho người đam mê du lịch, trải nghiệm khám phá những cung đường thử thách, mạo hiểm. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khốc liệt khiến nhiều người ngỡ như mình đã lạc đến mặt trăng…
Khu vực này là một dạng cảnh quan đặc biệt xuất hiện tại một số khu vực trên cao nguyên đá Đồng Văn – di sản địa chất nổi tiếng ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc – Hà Giang. Dạng địa hình này được tạo nên bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, các tảng, khối đá phủ khắp bề mặt sườn núi.
Hàng trăm nghìn phiến đá lớm chởm sắc nhọn, nằm chen chúc nhau tạo nên các hoang mạc đá trải dài đết hút tầm mắt. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khốc liệt khiến nhiều người ngỡ như mình đã lạc đến Mặt trăng. Theo lý giải của các nhà địa chất, “địa hình mặt trăng” được tạo nên bởi quá trình karst (ăn mòn đá vôi) trong hàng triệu năm.
Đặc biệt, dạng địa hình này chỉ xuất hiện từ độ cao 1.300 m trở lên, nhiều nhất là trong khoảng 1.500-1.700 m, do tuân theo quy luật phân hóa đai cao của khí hậu. Cảnh quan có một không hai này có thể được quan sát rõ ràng nhất trên cung đường ôtô từ từ ngã ba Sáng Ngài tới xã Sảng Tủng, trong hành trình từ thị trấn Yên Minh đến thị trấn Đồng Văn. Đây cũng được coi là một cung đường vàng cho những người mê du lịch.
Bãi đá Mặt trăng Đồng Văn là một trong những cung đường cho người đam mê du lịch, trải nghiệm khám phá những cung đường thử thách, mạo hiểm. Tận hưởng không gian kỳ thú của đá, gió, nắng trời nơi xa nhất của dải đất hình chữ S, du khách sẽ có những kỷ niệm không thể nào quên.
Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 46 km về phía bắc, là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Cổng trời nằm trên đỉnh cao nhất của con đèo từ Hà Giang lên Quản Bạ, một thời sau cánh cổng đó từng là “vùng đất tự trị của người Mèo” gồm 4 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc vàYên Minh. Năm 1939, người Pháp dựng một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay cổng trời, ngày nay cánh cửa đó không còn nữa, thay vào đó là tấm biển đề chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Cổng trời Quản Bạ.
Muốn lên cổng trời phải vượt qua những cung đường đèo khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, càng lên cao sương mù càng dày đặc. Qua những khúc cua tay áo, những đoạn dốc cheo leo đầy nguy hiểm lên đến đỉnh đèo, trước mắt du khách hiện ra là cổng trời Quản Bạ ngập chìm trong biển mây mù và sương núi. Cổng trời chính là chỗ khe hẹp giữa hai đỉnh núi được hạ thấp và mở rộng đủ để con đường chạy qua, cũng là nơi bắt đầu con đường Hạnh Phúc. Nhìn lại phía sau, con đường uốn quanh và nhỏ xíu như một sợi dây thừng, chẳng mấy chốc bị xóa nhòa bởi sương núi, du khách choáng ngợp khi thấy mình như đang chìm trong một biển mây.
Muốn chiêm ngưỡng cổng trời, du khách phải lên thêm vài chục bậc thang nữa trên con đường dẫn lên đỉnh cao nhất của cổng trời. Đây được coi là địa điểm lí tưởng nhất để có thể ngắm nhìn phong cảnh một dải cao nguyên đá Đồng Văn. Nhìn ngược xuống dưới, con đường vừa đi ngoằn ngoèo dốc đứng, len lỏi giữa trùng vây mây trời, núi non tầng tầng lớp lớp trùng trùng điệp điệp. Nhìn về trước mặt là thung lũng rộng lớn với những cánh đồng trải dài, màu vàng của lúa chín xen lẫn màu nâu trầm của đất, thấp thoáng là những mái nhà của bản làng các dân tộc. Nổi bật lên là hình ảnh Núi Đôi Quản Bạ (hay còn gọi là núi Cô Tiên) căng tràn nhựa sống như người con gái đang độ xuân thì. Mây giăng khắp lối, du khách được đứng giữa biển mây bồng bềnh, cảm giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh, mọi lo âu mệt mỏi dường như tan biến.
Thung lũng Sủng Là
Bạn từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây là xã vùng cao rất đẹp trên cao nguyên đá Đồng Văn. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian. Trên gác, màu của ngô lẫn trong đám đỗ tương được phơi khô. Và cô gái Sủng Là ngồi dệt bên khung cửi, tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước cho đỡ cơn khát ban trưa.
Phố cổ Đồng Văn
Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá… Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100 – 300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời. Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.
Chợ phiên vùng cao
Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6… Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là nơi biểu hiện đậm nét những bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao.
Ngoài ra ở Hà Giang còn rất nhiều địa điểm, làng bản đẹp mà các bạn có thể tự tìm hiểu và khám phá. Nhưng hãy luôn nhớ lựa chọn những cung đường, những địa điểm tùy thuộc vào khoảng thời gian mà bạn định đi nhé.
Xem thêm: Du Lịch Điện Biên Đi Đâu, Ở Đâu, Chơi Gì, Ăn Gì ?